Hãy yêu thương cha mẹ già bằng sự nhẫn nạiBức thư của một người cha khi về già gửi con trai dưới đây đã đánh thức lòng hiếu thảo của những người đôi khi vì vô tâm khiến đấng sinh thành buồn lòng.
Con thương yêu!
Một ngày nào đó, con sẽ thấy ba già đi, thân thể cũng dần dần héo mòn, thì xin con nhẫn nại chút xíu, thử tìm hiểu ba chút xíu. Nếu ba ăn uống dơ dáy không sạch sẽ, nếu ba không biết mặc áo thì có chút nhẫn nại nghe con. Con có nhớ không, có khi ba bỏ ra rất nhiều thời gian để dạy con làm một vài việc? Nếu, khi ba cứ nói đi nói lại một chuyện gì đó thì đừng ngắt lời của ba, nghe ba nói. Khi con còn nhỏ, ba đọc truyện cho con nghe, lật trang này qua trang khác đọc cho đến khi con nhắm mắt ngủ mới thôi. Khi ba không muốn tắm rửa thì không nên hổ nhục ba, cũng đừng chửi mắng ba.
Con nhớ không, khi con còn nhỏ, ba đã nghĩ ra biết bao nhiêu là lý do để dỗ dành con đi tắm cho nên, xin con cũng dỗ dành ba chút xíu, được không con? Khi con nhìn thấy ba không biết gì về khoa học tiên tiến, thì cho ba một chút thời gian, không nên cúp máy rồi nhìn ba mà cười nhạo. Ba đã dạy con bao nhiêu là chuyện nhỉ? Nào là phải ăn uống như thế nào, phải mặc như thế nào, phải đối mặt với cuộc sống của con như ra sao? Nếu trong lúc trò chuyện mà đột nhiên ba không nhớ gì cả, mất ý thức, thì hãy cho ba một thời gian để nhớ lại. Nếu ba vẫn cứ bất lực, xin con đừng căng thẳng. Đối với ba, điều quan trọng không phải là đối thoại, mà là có thể ở chung với con, và lắng nghe con.
Khi ba không muốn ăn thứ gì thì đừng nên gò ép ba, vì ba biết rất rõ lúc nào thì có thể ăn. Khi chân của ba không chịu nghe sự điều khiển thì hãy phụ giúp ba một tay, giống như ba đã giúp con, dẫn con bước thứ nhất đi trên đường đời. Khi một ngày nào đó, ba nói với con là ba không còn muốn sống nữa thì xin con đừng giận dữ. Có một ngày con sẽ hiểu. Thử tìm hiểu ba, sắp nằm gần kề miệng lỗ, những ngày sắp tới có thể đếm. Có một ngày, con sẽ phát hiện, mặc dù ba có nhiều cái sai, nhưng ba vẫn cứ muốn cho con cái tốt nhất. Khi ba gần bên con thì đừng cảm thấy buồn rầu, bất đắc dĩ hoặc né tránh. Con phải kề sát bên ba, như ba hồi trước giúp con triển khai nhân sinh, hiểu ba, giúp ba. Xin để ba dựa vào con một chút, con hãy lấy yêu thương và lòng nhẫn nại giúp ba đi hết con đường nhân sinh. Ba sẽ dùng nụ cười, sự không thay đổi của ba và tình yêu không bờ không bến, để báo đáp con. Ba yêu con.Bức thư nói trên có thể là một bức thư hư cấu, cũng có thể là một bức thư do một người cha nào đó gửi con trai và vô tình được người đọc biết đến. Song chính bản thân tôi cũng như tất cả những người đọc luôn cảm thấy xúc động mỗi khi đọc lại. Bởi ở đó chúng ta nhận thấy tất cả sự yêu thương cũng như khao khát được yêu thương của người cha đối với đứa con thân yêu của mình. Khoan hãy nói đến sự yêu thương, trước hết nếu phân tích về yếu tố tâm lý người già, chúng ta dễ dàng nhận thấy, đằng sau bức thư thoáng những nét lo âu của người cha cho cuộc sống già nua của mình. Khi tuổi già, sức khỏe và trí nhớ dường như dần dần rời bỏ mỗi con người thì tâm lý lo sợ là điều đương nhiên xảy ra. Về già, cha mẹ ta dần dần mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân mình. Thay vào đó đôi khi là sự vụng về, chậm chạp… Lúc đó, cha mẹ cần sự quan tâm, an ủi của con cái để biết rằng mình luôn có chỗ dựa vững chắc là con cái trong lúc yếu đâu bệnh tật. Người đàn ông già trong bức thư trên đã nói ra tất cả nỗi lòng ấy của những bậc cha mẹ khi đến tuổi “gần đất xa trời”.
Tất cả những điều mong muốn của người cha trên là một phần những điều khi xưa ông đã dành cho con trai. Từ những bước đi đầu tiên, từ quyển sách đầu tiên, bữa cơm đầu tiên của con… đều mang đậm dấu ấn của cha mẹ. Cha mẹ luôn dành cho con tất cả sự yêu thương, nhẫn nại. Và khi cha mẹ về già, mắt mờ đi, chân tay run rẩy, đầu óc không còn minh mẫn, thì cha mẹ cũng cần sự yêu thương và nhẫn nại ấy từ con cái mình. Ai đó đã từng nói, cha mẹ là “của để dành” của con cái. Tôi thấy câu ví von ấy có giá trị riêng của nó. Cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi nấng chăm sóc và dạy dỗ ta. Sự hiện diện của cha mẹ trong cuộc sống của ta là sự cộng gộp của những ơn sâu nghĩa nặng, của những hy sinh không biết mệt mỏi cho những đứa con thân yêu của mình. Và cùng với cấp số nhân của sự hy sinh là cấp số cộng của tuổi tác và cấp số trừ của sức khỏe. Những điều mà người cha trên mong muốn con dành cho mình khi về già là những điều rất giản dị, là “ở cùng con và lắng nghe con”, là “đừng ngắt lời ba khi ba lặp đi lặp lại một câu chuyện”, là “cho ba một chút thời gian”… Những điều dường như vô cùng giản dị song không phải ai cũng có thể dễ dàng làm được.
Khi tuổi già đã ập đến, sự suy nghĩ và cảm giác cô đơn đối với cha mẹ ta cũng gia tăng, vì thế, có thể một hành động rất nhỏ của ta cũng khiến cho cha mẹ buồn lòng. Sự yêu thương sẽ dạy cho ta kiên nhẫn và con tim sẽ mách bảo ta phải yêu thương nhiều hơn đối với bậc sinh thành - những người đã hy sinh cả cuộc đời để dành cho ta những gì đẹp đẽ nhất. Khi xã hội càng phát triển như hiện, việc con cái phụng dưỡng và báo hiếu với cha mẹ dường như có nhiều thuận lợi hơn. Nhiều người con chọn cách mua những thức quà đắt tiền, chọn thuê người chăm sóc và sẵn chuẩn bị những loại thuốc tốt nhất khi cha mẹ đau ốm… Thế nhưng họ lại không nhận ra rằng điều cha mẹ họ cần không phải là những thứ mua bằng tiền ấy. Có người cả tháng, thậm chí cả năm không có thời gian để trò chuyện với cha mẹ một lát, đưa cha mẹ đi chơi một buổi, ăn cùng cha mẹ một bữa cơm chứ chưa nói đến việc tự tay chăm sóc đấng sinh thành. Đó cũng là lý do hiện nay, người già có xu hướng xa cách với con cháu hơn. Nếu không tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu bạn bè hoặc làm thêm công việc gì đó thì những người già không nhận được sự quan tâm của con cháu rất dễ rơi vào trạng thái buồn bã, tủi thân, trầm cảm… dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe, mắc bệnh tật, suy giảm tuổi thọ. Bức thư trên chính là lời cảnh tỉnh, lời kêu gọi yêu thương ý nghĩa đối với mỗi chúng ta để làm tròn chữ “Hiếu” với bậc sinh thành.
0 nhận xét: