Ở Việt Nam không thường xuyên xảy ra động đất, nếu có cũng ở mức độ nhẹ không gây thiệt hại nhiều. Tuy nhiên, những rung chấn cũng khiến cho người dân thấy lo lắng, hoang mang, đặc biệt là người dân đô thị ở những tòa nhà cao tầng. Không thể đợi trải qua một trận động đất sống còn mới trang bị cho mình kỹ năng ứng phó. Bởi có thể bạn sẽ chẳng có cơ hội để tìm kiếm thông tin nữa.
Khi đang ở trong nhà
Nếu đang ở trong nhà, nhất là ở tầng cao, bạn sẽ cảm thấy rõ rung chấn. Nhiều người cố gắng chạy ra khỏi nhà. Nhưng điều đó chỉ nên làm nếu bạn xác định mình đủ thời gian để thoát khỏi và tìm chỗ ẩn nấp an toàn. Nói cách khác, đó là khi rung chấn ở mức độ nhẹ. Còn nếu bạn gặp khó khăn trong việc đứng vững và di chuyển thì tốt nhất nên ở yên trong nhà và tìm chỗ trú ẩn an toàn.
Núp dưới gầm bàn, nằm trên giường hoặc nép vào góc tường là lựa chọn hàng đầu. Tránh xa những nơi có nhiều vật nhỏ, treo như đèn, TV, quạt, khung ảnh, đặc biệt là không ở gần cửa kính để những vật đó không thể rơi vào người bạn gây thương tích. Nếu có thể, lấy gối, chăn hay mảnh vải nào đó để bảo vệ đầu, cơ thể. Lưu ý đến mắt và mũi tránh bụi, khói, khí độc hay vật lạ bay vào.
Hãy ở yên vị trí của mình cho đến khi động đất ngừng hẳn. Đừng cố chạy thoát vì động đất không giống như hỏa hoạn, cả một vùng đều bị rung lắc nên bạn chạy đến đâu cũng không tránh khỏi. Thậm chí, nguy hiểm còn cận kề nếu bạn là "nạn nhân" của các vật trên cao rơi xuống. Tốt nhất hãy ở yên một chỗ bạn thấy an toàn nhất.
Tuyệt đối không sử dụng thang máy. Động đất có thể khiến hệ thống, đường dây điện bị hỏng bất cứ lúc nào và bạn có thể bị kẹt trong đó.
Khi ở ngoài đường
Nếu động đất xảy ra, nơi nào càng trống trải càng an toàn. Cho nên hãy tránh càng xa càng tốt các tòa nhà, hàng cây, đường dây điện. Tốt nhất là nằm sấp và chắp 2 tay ra sau gáy để bảo vệ phần đầu.
Nếu bạn đang đi ô tô thì nên ở yên trong xe và thắt chặt dây an toàn. Đó cũng là một nơi khá an toàn. Nếu bạn cố gắng di chuyển thì có thể gặp nguy hiểm do cây cối hoặc mảng tường đè xuống.
Ở vùng núi thường hay xảy ra động đất hơn. Nếu thấy mặt đất có dấu hiệu rung chuyển, hãy tránh xa những nơi có thể bị sạt lở đất đá từ trên cao. Sóng thần có thể đi kèm với động đất ở vùng biển. Hãy di chuyển lên vùng cao nếu bạn không muốn bị nước nhấn chìm.
Nếu động đất xảy ra, nơi nào càng trống trải càng an toàn.
Làm gì sau động đất?
Hãy xác định chắc chắn động đất đã hết và bạn sẽ không gặp nguy hiểm khi rời khỏi chỗ nấp. Kiểm tra cơ thể xem có chỗ nào bị thương không, nếu có thì tìm người giúp đỡ hoặc cứu hộ.
Sau động đất có thể có những trận dư chấn nhỏ, hãy lưu ý điều đó để tránh những vật "lủng lẳng" có thể rơi bất ngờ.
Khói, bụi, khí độc, thậm chí chất phóng xạ là những "sản phẩm" thường thấy sau động đất. Đừng để cơ thể bị nhiễm độc. Dùng khẩu trang, mảnh vải bịt mũi, nếu có thể hãy mặc quần áo dài, dày dặn trước khi ra khỏi nhà.
Khi kiểm tra vật dụng trong nhà, phải đặc biệt lưu ý đến hệ thống điện và bình, bếp ga . Đừng động vào đó nếu thấy bất kỳ một dấu hiệu nguy hiểm nào. Hãy nhờ thợ sửa chữa để đảm bảo an toàn.
Nếu bạn bị mắc kẹt, dùng vải hoặc tay che miệng lại tránh bị ngạt thở do khói bụi. Khí độc có thể làm bạn khó thở, ngất đi và cứu hộ không thể tìm thấy. Tìm cách ra ám hiệu bằng cách dùng tay, chân võ vào tường hoặc vật gì đó có thể phát ra tiếng động to. Đừng cố la hét bởi hành động này có thể khiến bạn mất sức hoặc ngạt bụi. Chỉ làm điều đó khi bạn biết có người đang ở gần và có thể giúp bạn thoát khỏi đống đổ nát.
Hãy thường xuyên theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng để nắm bắt kịp thời các hướng dẫn, chỉ thị sơ tán, cứu hộ khẩn cấp.
Theo SKĐS
0 nhận xét: