9 thg 12, 2014

Đánh giá LG G Watch R: khi cái đẹp kết hợp với sự thông minh




Tinhte_Danh_gia_LG_G_Watch_R.

G Watch R là một trong những chiếc đồng hồ thông minh rất được chú ý trong năm nay bởi nó sở hữu mặt tròn giống như bao chiếc đồng hồ đeo tay bình thường, lại có một thiết kế vừa trẻ trung vừa sang trọng. Nếu như chiếc G Watch đời đầu có vẻ giống như một thiết bị để Google “khoe” với thế giới về Android Wear thì G Watch R còn tiến một bước xa hơn như thế. Nó là một thứ mà bạn sẽ thật sự muốn đeo ngay lên tay kể từ cái nhìn đầu tiên.

Thiết kế, ngoại hình

Đẹp là một từ hoàn toàn thích hợp để mô tả về chiếc LG G Watch R. Kể từ khi mình mua được chiếc đồng hồ này và đeo nó thì ai thấy cũng hỏi thăm cả, bởi nó đơn giản là rất đẹp. LG đã khá khéo léo khi thiết kế màn hình nằm lọt thỏm giữa một bộ khung thép không gỉ hình tròn có đánh vạch và số xung quanh, như vậy vừa tạo nên một vẻ ngoài rất riêng cho G Watch R, lại giúp màn hình không dễ bị trầy xước. Chất lượng hoàn thiện của toàn bộ sản phẩm cũng rất tốt, máy cứng cáp và chắc chắn. Màu đen phủ lên toàn bộ đồng hồ cũng giúp tạo vẻ sang trọng pha lẫn chút huyền bí, và điều đó cực kỳ cần thiết đối với một thiết bị mà bạn sẽ đeo lên người gần như cả ngày.

Mat_truoc.

Để G Watch R trông giống như một cái đồng hồ cơ đeo tay, LG đã trang bị cho nó một cái núm tròn nhỏ nằm ở cạnh bên. Nút này có tác dụng trang trí nhiều hơn là về mặt tính năng bởi nó chỉ có hai nhiệm vụ: nhấn để kích hoạt đồng hồ về chế độ thức, và nhấn giữ để mở menu cài đặt. Nếu như LG làm gì đó để tận dụng được thao tác xoay của cái núm thì có lẽ việc điều hướng trên Android Wear sẽ tốt hơn, chẳng hạn như xoay để cuộn qua các menu như Apple Watch chẳng hạn.

Cai_num.

Phần nối giữa cụm đồng hồ chính với dây đeo cũng được làm từ thép không gỉ màu đen đồng nhất, tuy nhiên theo mình thấy thì nó hơi to. LG từng nói hãng cần thêm không gian xung quanh màn hình để chứa các mạch điện và linh kiện để phục vụ cho màn hình tròn hoạt động. Cá nhân mình thích hai phần nối này nhỏ lại một chút thì trông G Watch R sẽ nhẹ nhàng và gọn hơn.

Một điểm cộng khác cho thiết bị này đó là nó xài dây 22mm chuẩn, nhờ vậy bạn có thể dễ dàng thay bất kì sợi dây nào bạn muốn. Mình có thấy vài mẫu dây màu nâu trông khá thời trang khi dùng chung với G Watch R, có lẽ ít hôm nữa mình phải đi đổi để xài thử xem sao.

Day_deo.

Cảm giác đeo

Ở lần đầu đeo G Watch R lên tay mình đã hơi có cảm giác không thích bởi từ trước đến nay mình không đeo đồng hồ nhiều, các mẫu có kích thước lớn và hơi nặng lại càng không. Thêm vào đó là do dây đeo còn cứng nên mình cảm thấy rất khó chịu. Nhưng chỉ khoảng nửa ngày sau khi mà mình đã quen với cảm giác của G Watch R còn dây thì đã mềm ra, mọi thứ trở nên thật tuyệt vời. Thật sự mình không ngờ được là một cái đồng hồ có kích cỡ như G Watch R lại có thể nằm thoải mái trên cổ tay của mình đến mức này. Vài tháng trước khi còn xài Pebble, vốn có kích thước rất nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ, mình đã nghĩ rằng G Watch R khi đeo chắc khó chịu lắm nhưng LG đã làm mình phải thay đổi suy nghĩ đó. Thực chất thì đồng hồ cũng hơi nặng một chút nhưng khi đeo thì mình không thấy có vấn đề gì cả.

Cam_giac_deo.

Có vài bạn hỏi mình rằng mặt sau của G Watch R có nào là cảm biến nhịp tim, nào là các chấu tiếp xúc thì khi đeo một thời gian dài có thấy cộm không thì câu trả lời là không. Mình vẫn cảm thấy da mình bình thường, không có hiện tượng cộm, khó chịu cho dù chiếc đồng hồ này nằm trên cổ tay mình cả ngày trời. Và nhờ có khả năng chống nước nên bạn có thể tự tin đi mưa, rửa tay mà không lo G Watch R bị… chết ngủm.

Màn hình

Có lẽ đây là chi tiết thú vị nhất và cũng là điểm giúp G Watch R đứng tách biệt so với những chiếc đồng hồ chạy Android Wear khác (và cả những mẫu smartwatch nói chung nữa). Màn hình mà LG đưa lên thiết bị này sử dụng công nghệ Plastic OLED kích thước 1,3”. Nó là kết quả của 3 năm ròng rã nghiên cứu, phát triển và kết quả mang lại thật mỹ mãng. Chính nhờ màn hình tròn như thế này mà G Watch R trông rất tự nhiên khi nằm trên cổ tay của chúng ta chứ không phải là một thiết bị hiện đại nhưng quái dị. Màn hình này cũng tròn đủ 360 độ chứ không bị mất một đoạn nhỏ như Moto 360 khiến nội dung được hiển thị một cách trọn vẹn.

Chất lượng hiển thị của màn hình POLED này ổn, màu sắc thể hiện chân thực và rực rỡ. Do sử dụng tấm nền OLED nên các điểm đen trên giao diện sẽ thật sự đen vì những pixel đó không hề được chiếu sáng như cơ chế hoạt động của màn hình LCD. Điều đó vừa tạo nên vẻ đẹp cho mặt đồng hồ vừa có tác dụng tiết kiệm pin nếu như bạn chọn những mặt nào có nhiều phần đen. Màn hình luôn hiển thị mặt đồng hồ cũng là một tính năng cần nhắc đến bởi nó giúp việc xem giờ được dễ dàng.

Nếu dí sát mắt vào thì bạn sẽ nhận ra từng pixel riêng lẻ, nhưng đây không phải là cách mà chúng ta nhìn vào đồng hồ! Ở khoảng cách nhìn bình thường khi đeo nó trên cổ tay thì bạn sẽ thấy rằng các đối tượng đồ họa nói chung và chữ nói riêng rất mịn màng.

Man_hinh.

Tuy nhiên, khi ra ngoài nắng thì màn hình này không còn hiển thị tốt như mình mong đợi vì mức độ phản chiếu khá lớn. So với màn hình Memory LCD của Pebble hay màn hình E-ink của Sony SmartBand Talk thì G Watch R thua xa. Tất nhiên đổi lại chúng ta có một panel cảm ứng với khả năng hiển thị màu sắc đầy đủ nhưng mình vẫn muốn LG làm gì đó để thế hệ G Watch R kế tiếp sẽ dễ nhìn hơn khi sử dụng dưới các nguồn sáng mạnh.

Có một thứ nữa mình muốn nói, đó là tay mình ra mồ hôi khá nhiều. Chính vì vậy, khi sử dụng các thiết bị cảm ứng mình luôn để lại khá nhiều vết dơ trên màn hình, cả trên smartphone, tablet đều như thế và G Watch R cũng không là ngoại lệ. Những vết dơ này khiến cho màn nhìn bẩn bẩn nên mình phải thường xuyên lau nó. Chính vì vậy mà mình mới ước LG làm gì đó với cái núm tròn bên cạnh sản phẩm để mình có thể hạn chế chạm vào màn hình. Những bạn ít bị ra mồ hôi tay thì không phải lo về vấn đề này.

Hiệu năng

Giờ thì nói một chút về phần cứng nào. LG G Watch R được tích hợp vi xử lý Qualcomm Snapdragon 400 xung nhịp 1,2GHz, RAM512MB cùng bộ nhớ 4GB, gần giống với hầu hết những chiếc đồng hồ khác chạy Android Wear đến từ Samsung, Sony, Asus. Tất cả những thứ này phối hợp với nhau để giúp cho máy chạy rất nhanh và mượt mà, thao tác trượt, chạm đều có thời gian phản hồi rất nhanh. Giao diện của hệ điều hành Android Wear cũng được thiết kế với nhiều hiệu ứng chuyển động nên càng tạo cảm giác mượt hơn trong suốt thời gian sử dụng.

Trước đây mình có dùng thử qua Moto 360 một chút thì thấy có vẻ như G Watch R nhạy hơn vì sử dụng chip đời mới, trong khi sản phẩm của Motorola dùng SoC Texas Instrument OMAP 3 đã khá cũ. Tuy nhiên sự khác biệt không quá lớn và lúc sử dụng bình thường bạn cũng khó nhận ra.

Thời lượng pin

Pin chưa bao giờ là một điểm mạnh của smartwatch nói chung và G Watch R nói riêng, ít nhất là cho đến thời điểm mình viết bài đánh giá này. Ở mức sử dụng thông thường và độ sáng đặt ở mức 4 (có 5 mức tất cả, số càng lớn càng sáng) thì mình có thể dùng được G Watch R trong khoảng 1 ngày hoặc 1,5 ngày tuỳ số lượng thông báo được gửi từ điện thoại sang và tuỳ theo các app mình chạy. Đây không phải là thời lượng pin xuất sắc, trái lại mình còn hơi buồn một chút vì pin của G Watch R không thể kéo dài 4, 5 ngày như chiếc Pebble mình dùng trước kia. Tuy nhiên, nó vẫn đủ cho một ngày làm việc từ sáng sớm đến chiều tối mà bạn không phải sạc lại nên cũng không cần quá lo lắng. Với mình thì việc đặt đồng hồ lên đế sạc vào mỗi tối trước khi đi ngủ không phải là chuyện quá mất công.

Do_sac.

Sẵn nói về đế sạc, G Watch R được bán kèm theo một cái dock hình tròn. Trên đó có các chân tiếp xúc để truyền điện vào những chân tương ứng trên đồng hồ, ngoài ra còn có cổng microUSB để gắn cáp sạc vào. Thao tác đặt G Watch R lên đế vô cùng dễ dàng bởi LG đã tích hợp nam châm khiến đồng hồ tự “trượt” vào đúng vị trí. Việc sử dụng dock như thế này cũng có cái bất lợi đó là lỡ làm mất thì việc kiếm mua lại rất cực, nhất là trong bối cảnh G Watch R chưa được bán chính thức tại Việt Nam (chiếc mình mua thì ở bên Singapore).

Android Wear

Đây chính là “linh hồn” của G Watch R, thứ làm cho thiết bị thật sự trở nên “thông minh”. Cũng như bao thiết bị Android Wear khác, bạn có thể điều khiển đồng hồ bằng giọng nói. Lấy ví dụ, nếu muốn hẹn giờ bạn chỉ việc nói "Wake me up at 7am" thì 7 giờ sáng mai đồng hồ sẽ gọi bạn dậy. Cũng tương tự như Google Search trên điện thoại, các lệnh nào nó không hiểu thì đồng hồ sẽ hiển thị kết quả từ Google.

LG_G_Watch_R.

Tuy nhiên, điểm hay nhất của Android Wear là nó không chỉ dừng lại ở những chức năng ra lệnh như vậy mà nó kết hợp trực tiếp với hệ thống cảnh báo của hệ thống, tức toàn bộ những cảnh báo trên máy đều được chuyển qua đồng hồ, kể cả những thông tin yêu cầu cập nhật phần mềm hay các thông báo từ bên thứ 3. Đây chính là cái mình cần ở một cái smartwatch. Mình không cần những thứ quá cao siêu, chỉ cần hiển thị thông báo tốt, ổn định và hỗ trợ nhiều app là ngon rồi.

Hơn thế nữa, những cảnh báo được Google hỗ trợ như tin nhắn thoại, email hay kể cả Facebook Messenger đều có thể phản hồi ngay lập tức trên đồng hồ mà chúng ta không cần phải đụng tới điện thoại. Bạn chỉ việc nói, và toàn bộ những gì chúng ta nói sẽ được chuyển thành dạng văn bản để gửi đi. Tất nhiên những hành động dạng như thế này sẽ cần phải được triển khai bởi lập trình viên viết ra phần mềm, nếu không thì thông báo đó chỉ có vỏn vẹn một hành động là "Open on Phone" mà thôi.

Notification.

Có một chuyện mà bạn sẽ phân vân khi sử dụng G Watch R, đó là nó có nhận được giọng nói tiếng Việt hay không? Câu trả lời là có nhé các bạn, bởi thực chất đồng hồ cũng gửi dữ liệu giọng nói của bạn về điện thoại, sau đó nhận lại kết quả từ máy chủ Google. Và bởi vì máy chủ Google đã hỗ trợ tiếng Việt nên việc nhập liệu hoàn toàn có thể được thực hiện bằng giọng nói. Mình rất hay dùng tính năng này để trả lời lại tin SMS hoặc tin chat Facebook khi đang lái xe, rất tiện lợi. Chỉ việc đưa đồng hồ lên gần miệng và nói mà thôi, chẳng phải lo đến chuyện lấy điện thoại ra.

Tất nhiên, bạn sẽ phải thiết lập Google Voice Input trên smartphone Android để cho phép đồng hồ nhận diện tiếng Việt và cả tiếng Anh (một cái làm ngôn ngữ chính, một cái phụ). Bạn chỉ việc thiết lập một lần duy nhất và không phải chuyển thủ công giữa các ngôn ngữ. Bộ máy của Google đủ thông minh để biết bạn đang nói tiếng gì và chuyển thể thành văn bản, tuy nhiên bạn không thể nói hai thứ tiếng trong cùng một câu. Riêng với việc điều khiển, ra lệnh tương tác với đồng hồ thì bạn buộc phải nói tiếng Anh, còn việc trả lời tin nhắn thì có thể xài tiếng Việt thoải mái.

Google Now cũng là một điểm nhấn của Android Wear. Những thẻ nội dung thông minh giờ đây sẽ được hiển thị ra đồng hồ của bạn tùy theo ngữ cảnh. Chẳng hạn, khi chúng ta đi ra sân bay nó sẽ hiển thị thông tin thời tiết, quãng đường hay tình trạng chuyến bay để chúng ta sắp xếp thời gian. Trên thực tế thì Google Now không thật sự hữu ích ở Việt Nam nên tính năng này dù tốt cũng chưa được như mong đợi. Và mình cũng chẳng đụng đến Google Now nhiều khi xài G Watch R.

Bạn có thể cài thêm app cho Android Wear. Chẳng hạn như với Evernote, bạn có thể tạo một ghi chú mới bằng giọng nói, duyệt qua các danh sách việc cần làm của mình, còn nếu bạn cài app Flashlight thì đồng hồ có thể biến thành một chiếc đèn pin trong tối. Tất nhiên là app mặt đồng hồ cũng không là ngoại lệ, bạn có thể thay bất kì mặt nào mình thích chỉ bằng cách cài các phần mềm trên Play Store. Mình sẽ có bài viết riêng để chia sẻ với các bạn về những app thú vị trên Android Wear.

App.

Tính năng theo dõi sức khỏe cũng là một điểm khá thú vị của G Watch R. Chức năng này giống như trên Moto 360, cũng sử dụng Google Fit để tập trung mọi thông số lại một nơi, cũng có cảm biến nhịp tim, cảm biến đếm bước và khả năng theo dõi liên tục. Mời các bạn xem bài Đánh giá Moto 360 để biết thêm về các tính năng sức khỏe của G Watch R nói riêng và Android Wear nói chung.

Kết luận

G Watch R là một chiếc đồng hồ không chỉ đẹp mà còn có nhiều tính năng hữu dụng. Nó có thể giúp bạn giảm số lần rút điện thoại ra khỏi túi vì mọi thông báo đều được hiển thị rõ ràng trên màn hình với một giao diện đơn giản và hiện đại. Tuy nhiên, pin chưa ngon và phần mềm còn nhiều hạn chế chính là những điểm yếu cần nói đến của G Watch R. Thêm vào đó việc LG chưa bán rộng rãi mẫu đồng hồ này tại thị trường Việt Nam khiến các bạn muốn mua cũng hơi khó, nếu kiếm được thì giá cũng khá cao. Mình mua hàng chính hãng bên Singapore thì giá tương đương khoảng 6 triệu đồng, không hề rẻ cho một chiếc đồng hồ thông minh hiện nay. Tuy nhiên, vì vẻ đẹp và những sự tiện lợi mà G Watch R mang lại, mình sẵn sàng chi để được sở hữu nó.

Danh_gia_LG_G_Watch_R_TOP.

Ưu điểm:
Thiết kế rất đẹp, chất lượng hoàn thiện tốtMàn hình tròn đầy đủTính năng trả lời bằng giọng nói có hỗ trợ tiếng ViệtKhả năng hiển thị thông báo từ điện thoại hiệu quảNhược điểm:
Màn hình hiển thị chưa tốt khi ra trời nắngPin cần phải lâu hơnGoogle Now chưa phát huy hết sự thông minh của mình ở Việt NamGiá cao và chưa bán chính hãng ở nước taĐồng hồ hơi nặng (nhưng không gây cảm giác khó chịu)


Hoc Online


Chia sẻ

Author:

0 nhận xét: