9 thg 12, 2014

Tiền có mua được hạnh phúc?




Theo báo Wall Street Journal (WSJ), nghiên cứu trên do phó giáo sư Elizabeth Dunn ở Viện đại học British Columbia (Vancouver, Canada) chủ trì.

Trải nghiệm quý giá hơn

Phó giáo sư tâm lý học Ryan Howell của Đại học San Francisco, một thành viên tham gia nghiên cứu, đã bỏ tâm sức hơn 10 năm để chứng minh các trải nghiệm trong cuộc sống đem lại hạnh phúc cho con người nhiều hơn việc sở hữu đồ vật.

Có nhiều người cho rằng các trải nghiệm (du lịch, xem bóng đá ở sân vận động, xem phim rạp...) chỉ đem lại cảm xúc nhất thời, còn việc sở hữu vật dụng sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài hoặc mãi mãi.

Đó là tâm lý khiến người ta thường chọn cách mua sắm hơn là chi tiền cho hoạt động trải nghiệm khi kinh phí hạn hẹp.

Nhưng phó giáo sư Howell đã chứng minh con người luôn hạnh phúc hơn với các hoạt động trải nghiệm.

Giáo sư tâm lý học Thomas Gilovich của Đại học Cornell đồng tình với quan điểm này và cho rằng các trải nghiệm đáp ứng những nhu cầu tâm lý sâu xa trong tâm thức con người mà họ không hay biết.

Tiền có mua được hạnh phúc? Ảnh minh họa: dreamstime.com

Việc mua được một món đồ không khiến người ta hạnh phúc như khi tham gia một trải nghiệm còn bởi các sở thích vật dụng của con người luôn thay đổi. Có cái này rồi người ta lại muốn có cái khác. Do đó, cảm xúc chưa thỏa mãn luôn khiến họ thiếu hạnh phúc thật sự.

Con người rất dễ bị kéo vào vòng xoáy đeo đuổi các mục tiêu vật chất mà theo GS tâm lý Sonja Lyubomirsky của Đại học California thì “cố gắng ngăn chặn hoặc làm chậm lại vòng xoáy đó thật sự là một thách thức”.

Lại cũng có một nguyên nhân khác khiến con người không vui hơn khi sở hữu món vật dụng nào đó. Bởi lẽ con người ta thường có thói quen coi nhẹ hoặc thiếu trân trọng với những gì đã có.

Với những điều đã trở thành hiển nhiên, không thay đổi, con người thường có xu hướng lãng quên, không để ý và xem nhẹ.

Một bức tranh chẳng hạn, nếu cứ treo mãi một chỗ trong nhà, lâu ngày bạn sẽ quên mất ở vị trí đó đang có một bức tranh dù ngay khi đứng cạnh. Chỉ cần thay đổi vị trí hoặc tạm cho ai đó mượn một thời gian, bạn sẽ có cảm giác yêu quý và “nhớ” tới bức tranh hơn!

Liên quan tới tâm lý này, phó giáo sư Elizabeth Dunn tiến hành thực nghiệm với ba nhóm bạn trẻ. Họ được phát hộp kẹo sôcôla với các hướng dẫn khác nhau.

Nhóm 1 được ăn thoải mái, nhóm 2 bị cấm ăn và nhóm 3 được phép ăn theo nhu cầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm 2 đã thưởng thức và thấy sôcôla ngon hơn rất nhiều sau khi bị cấm so với hai nhóm còn lại.

Cho đi giúp hạnh phúc hơn

Không dừng ở đó, phó giáo sư Dunn còn tiến hành các nghiên cứu khác để tìm hiểu cảm xúc hạnh phúc khi cho người khác tiền bạc ở mỗi người ra sao. Bà nhận thấy những người tiêu tiền vì người khác luôn hạnh phúc hơn khi tiêu tiền cho bản thân.

Phát hiện thú vị và bất ngờ nhất với bà Dunn là tâm lý này đúng ở cả các quốc gia giàu có như Canada lẫn những nước nghèo nàn như Nam Phi, Uganda.

Bà Dunn bình luận: “Nhiều người chúng ta vẫn nghĩ mình sẽ chỉ làm từ thiện khi giàu có hơn, nhưng thật sự chúng tôi đã thấy những lợi ích của việc chia sẻ tiền bạc ngay cả ở những người đang phải chật vật lo cơm áo hằng ngày”.

Bà Dunn cũng khẳng định: việc cho tiền giúp ta hạnh phúc hơn và không phụ thuộc vào số tiền đó nhiều hay ít, mà tùy thuộc cảm nhận của ta về tác động của đồng tiền cho đi đó với người nhận.

Nếu ta thấy số tiền cho đi của mình có thể làm thay đổi cuộc sống người khác, ta sẽ thấy hạnh phúc kể cả khi số tiền đó rất ít ỏi.

Nghiên cứu của các nhà tâm lý cũng chỉ ra việc dùng tiền để “mua” thêm thời gian sẽ tác động ra sao tới hạnh phúc mỗi người.

Theo đó, nếu biết dùng tiền thuê người khác giải quyết giúp một số việc bạn không thích để có thêm thời gian cho những việc quan tâm, con người sẽ hạnh phúc nhiều hơn.

Theo Tuổi trẻ


Hoc Online


Chia sẻ

Author:

0 nhận xét: